Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

MẸ



                       MẸ
Sông bao nhiêu nước cho vừa
Thơ viết về mẹ, con chưa hài lòng.
Tình mẹ đâu dễ đếm đong
Yêu mẹ, con gửi vài dòng mẹ ơi!
Mẹ đâu là biển là trời
Biển trời sao sánh tình Người cho con!
Mẹ đâu là nước là non
Nước non sao sánh công ơn sinh thành!
Mặt trời ngời sáng bình minh
Cũng không sánh được với tình mẹ yêu!
Dù con hiếu nghĩa bao nhiêu
Cũng không đền đáp hết điều mẹ cho!
Tuổi cao, mẹ vẫn âu lo
Mỗi khi dặm thẳm đường xa con về
Lo cho cháu mỗi bước đi
Lo cơm, lo áo mọi bề ấm êm.
Cho dù vất vả triền miên
Mẹ vẫn vui vẻ cười hiền: “Có chi
Nắng mưa đâu có sá gì
Cháu con hiếu thảo mẹ thì rất vui.
Bố con cũng đỡ bệnh rồi
Bà con, bè bạn đông vui là mừng!”
Mẹ cười, khóe mắt rưng rưng
  Mùa thu tỏa nắng sáng bừng cháu con     

NHÂN NGÀY 20 THÁNG 10, NGÂN ĐỖ XIN GỬI LỜI CHÚC SỨC KHỎE, HẠNH PHÚC TỚI TOÀN THỂ CHỊ EM PHỤ NỮ NƯỚC NHÀ. CHÚC CÁC BÀ, CÁC MẸ, CÁC CHỊ, CÁC EM LUÔN TRẺ TRUNG, XINH ĐẸP, THÀNH CÔNG, PHÁT HUY TỐT TINH THẦN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI!   
   NGÀY MAI CŨNG LÀ SINH NHẬT MẸ, CON XIN CHÚC MẸ LUÔN MẠNH KHỎE, TINH THẦN THƯ THÁI ĐỂ LÀM ĐIỂM TỰA TINH THẦN CHO CẢ GIA ĐÌNH, MẸ NHÉ!      

         

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

LỐI CŨ



        LỐI CŨ

 
     Ta về lối cũ tìm ai
Hàng cây xưa lá đổi phai sắc màu
     Dấu chân ngày cũ còn đâu
Bơ vơ chiều tím, mưa ngâu sụt sùi...




Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

TỔ QUỐC TÔI



         TỔ QUỐC TÔI

             Cho tôi ca bài ca Tổ quốc tôi
Bốn nghìn năm chất chồng gian khó
Những chiến công lẫy lừng từ bao thuở
Rạng rỡ cháu con dòng dõi Tiên Rồng.

Núi non điệp trùng, đồng ruộng mênh mông
Hoàng Sa, Trường Sa, trời xanh, biển biếc
Xương máu cha ông thấm từng tấc đất
Tranh đấu, giữ gìn đâu chỉ tuổi thanh niên?

Cho tôi ca bài Tổ quốc thiêng liêng
Hồn tiên tổ vẫn thì thầm cùng con cháu
Những dấu tích xưa, những đền đài miếu mạo…
Là điệu tâm hồn, là chí nguyện cha ông.

Tổ quốc tôi trải qua nhiều bão giông
Vẫn chưa thôi những tháng ngày sóng gió
Vẫn đẹp như khúc tình ca muôn thuở
Vẫn kết đoàn cùng tranh đấu, dựng xây...

Yêu nơi nào như Tổ quốc mình đây?


Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

KHI TRẺ EM LÀM THƠ



KHI TRẺ EM LÀM THƠ...

Ngân Đỗ có “hai ả tố nga” đầu lòng. Xuân Mai là chị, Anh Thư là em. Trong số những điểm tương đồng về sở thích và sở trường về nghệ thuật của các con, Ngân Đỗ thấy có sự trùng hợp: hai đứa đều làm thơ từ nhỏ. Xin kể ra đây câu chuyện và những bài thơ đầu tay của các cháu.

Câu chuyện thứ nhất: Xuân Mai làm thơ

Hồi bốn tuổi, có lần Xuân Mai nói:
- Mẹ ơi, con làm bài thơ, con đọc mẹ nghe nhé:

CON MÈO NHÀ EM

Chú mèo xinh xinh
Như nàng công chúa
Đuôi mềm tay múa
Dạo chơi trong vườn
Hái hoa bắt bướm
Hoa nở nụ cười
Nụ chúm chím môi
Mèo vui như Tết
Chào ông mặt trời…

Vì chưa biết chữ, Xuân Mai vừa nghĩ vừa đọc, nhưng đọc như liền một mạch kiểu “xuất khẩu thành chương”. Đọc xong, Xuân Mai hỏi:
- Mẹ ơi, con làm bài thơ có hay không hả mẹ?
Nhìn gương mặt thơ ngây của con, mẹ Ngân thấy rất vui, vì con mình lần đầu làm thơ, nghe cũng ổn ổn. Tuy vậy, mẹ vẫn cười và bảo:
- Mẹ nghe bài thơ, mẹ thấy hình như con yêu Mimi nhà mình lắm thì phải?
- Vâng, con yêu Mimi nhất, à không, con yêu mẹ nhất, nhưng con cũng yêu Mimi nhất mẹ ạ!
- Vậy à? Thế đố con biết Mimi nhà mình là con gái hay con trai?
- Con gái ạ! – Xuân Mai nhanh nhảu đáp.
- Thế mà trong bài thơ, mẹ thấy con đọc là “Chú mèo xinh xinh/Như nàng công chúa”. Con có phát hiện điều gì không?
- À, con nghĩ ra rồi, để con sửa thành: “Cô mèo xinh xinh/Như nàng công chúa”, được chưa hả mẹ, cô thì như công chúa là đúng mẹ nhỉ?
- Ừ, đúng rồi, vậy mẹ cũng chẳng nghĩ ra cách sửa như thế đâu, con gái mẹ làm bài thơ này, mẹ rất thích.
Từ hôm đó, mẹ Ngân thường tranh thủ lúc rảnh để đưa Xuân Mai đi dạo trên xe máy, khi thì ở triền đê, khi thì cánh đồng làng... Hai mẹ con đối nhau tìm từ ngữ, tìm tứ thơ, xây dựng hình ảnh. Nhiều lúc, Xuân Mai có những phát hiện làm mẹ Ngân bất ngờ, và tất nhiên là rất vui…

……………………..

Câu chuyện thứ hai: Những bài thơ của Anh Thư

Chuyện về bài thơ của Xuân Mai được mẹ Ngân kể lại Anh Thư nghe. Lúc đó đã gần 22h, ngày Tết dương lịch. Hồi đó, Anh Thư năm tuổi. Nghe xong, Anh Thư nằng nặc:
- Mẹ ơi, con cũng muốn làm thơ, nhưng con không biết viết. Hay con đọc rồi mẹ viết hộ con với nhé!
- Mẹ bận lắm, hay để bố viết cho con!
- Thôi, mẹ viết hộ con một lúc thôi, chứ hôm nọ con thấy bố viết làm hỏng cả bài của con.
Mẹ Ngân ngạc nhiên:
- Con nhờ bố viết hồi nào? Sao con biết là bố viết hỏng?
- Hôm mẹ vắng nhà, con đọc cho bố viết nhưng mà bố viết không đúng ý con, con đếm chữ con biết mà.
Rồi Anh Thư nằn nì:
- Đi mà mẹ, con không muốn mẹ khen một mình chị đâu!
Hôm đó, mặc dù rất bận, nhưng trước hứng thú của con gái, mẹ không thể chối từ.
Cách mà Anh Thư làm thơ như sau:
Trước hết, bé nhìn nhanh xung quanh để tìm đề tài. Toàn những đề tài gần gũi, như những vật dụng trong nhà, hình ảnh sân, vườn nhà… Sau đó, bé đặt nhan đề rồi vừa nghĩ vừa đọc. Đúng là lúc có cảm hứng, giống ý như chị: nghĩ rất nhanh và đọc gần như liền mạch. Đôi lúc, bé cũng dừng lại vài giây để tìm từ, còn có cả sự lựa chọn từ ngữ để tránh lặp trong bài và giữa các bài.
Khi làm bài EM VẼ, Anh Thư đọc câu thứ nhất: “Em vẽ bức tranh”, mẹ Ngân thấy sốt ruột vì lo công việc còn chất chồng, muốn giục cho nhanh, liền gợi ý:
- Em vẽ vào đâu, trên tờ giấy trắng à?
Bé gạt nhanh:
- Mẹ đừng nói để con còn sáng tác, mà mẹ nói câu này con nghe quen lắm, cứ như kiểu bài “Em vẽ Bác Hồ trên tờ giấy trắng” ấy!
Buồn cười quá, nó giỏi hơn mình tưởng!
Bé sáng tác 11 bài thơ trong vòng già nửa tiếng đồng hồ! Như thể chạy đua với thời gian vì biết mẹ rất bận.
Mẹ Ngân giục:
- Con của mẹ làm được nhiều thơ quá. Con giữ tờ giấy này lại để sau này con biết đọc còn đọc và nhớ bài thơ của mình làm nhé! Bây giờ thì đi ngủ thôi, ông tuần đường đi tuần rồi đấy!
(Ông tuần đường là một nhân vật trong một câu chuyện do mẹ Ngân tự chế để dọa con. Ông có đặc điểm là vào buổi trưa và khoảng chín mười giờ đêm thường đi tuần ở đường. Ông rất yêu thương trẻ con, đứa nào ngoan, ông yêu và thường phù hộ cho thông minh, mạnh khỏe, đứa nào hư thì ông bắt bỏ vào bao để cho ngáo ộp ăn thịt. Anh Thư thường ngủ đúng giờ vì nghe lời ông tuần đường.)
Nghe vậy, Anh Thư bảo:
- Con làm thơ giỏi lắm, con không muốn một mình chị giỏi đâu. Sau này con lớn, mẹ đóng cho con một quyển thơ thật đẹp để con viết. Ngày mai mẹ đăng lên máy tính có cả hình ảnh mẹ nhé!
Dỗ mãi bé mới đi ngủ, vì đang hăng làm thơ mà!
Sau đây là những bài thơ Anh Thư làm trong khoảng già nửa tiếng đêm hôm đó:

Bài 1: MÙA XUÂN
Đóa hoa trên cành
Rung rinh hé cười
A xuân về rồi
Thật vui bạn nhỉ.
Mùa xuân đẹp thế
Vui quá là vui
Bé càng xinh tươi
Hôm nay đẹp trời
Hái hoa tặng mẹ.

Bài 2: CON MÈO NHÀ EM

Con mèo nhà em
Tròn xoe đôi mắt
Hôm nay ngày Tết
Chú chuột gian tà
Thấy mèo xô tới
Chạy luôn vào nhà
Thế mà không kịp
Mèo ta vồ liền
Em khen mèo giỏi
Tặng cho nơ xinh.

Bài 3: HOA CÚC MÙA XUÂN

Hôm nay hoa nở
Rực rỡ dưới trời
Màu hoa vàng tươi
Đẹp như váy bé.
Nụ hoa vừa hé
Ong bướm đến chơi
Khu vườn đẹp đẽ
Rộn ràng tươi vui.

Bài 4: SÂN CHƠI CỦA BÉ

Ra sân bé chơi
Thấy lá vàng rơi
Cùng đi nhặt lá
Bỏ vào thùng rác
Các nơi đều sạch
Không khí trong lành
Giúp bé học hành
Chăm ngoan giỏi giắn.

Bài 5: KHU VƯỜN CỦA BÉ

Các loài hoa đều đẹp
Bé thích nhất hoa hồng
Màu đỏ mượt như nhung
Như nụ cười của bé.

Khu vườn em đẹp đẽ
Có tuy-líp tươi cười
Có ong bướm dạo chơi
Đừng hái hoa bạn nhé
Giữ vườn cho sạch sẽ
Không ô nhiễm môi trường.

Bài 6: BÀN HỌC CỦA EM

Mẹ mua cho bàn học
Em không làm bẩn đâu
Không để đồ bừa bãi
Giữ bàn để học hành.
Hàng ngày em vẽ tranh
Tập tô màu, viết chữ
Mẹ khen em giỏi quá
Em vui ơi là vui!

Bài 7: ĐÔI GIÀY ĐẸP XINH

Mẹ đi siêu thị
Mua đôi giày xinh
Như hoa hồng đỏ
Có con Kit-ty
Đang cười với bé
Ôi sao thích thế
Giữ cho sạch sẽ
Giày xinh mẹ cho.

Bài 8: MÁI TÓC CỦA EM

Mái tóc của em
Dài như tóc mẹ
Thơm tho sạch sẽ
Óng mượt như tơ.
Mẹ tết sam nơ
Đẹp như hoa bướm.
Mẹ em giỏi lắm
Cho em tóc mềm
Cô khen em xinh
Em cười: “Giống mẹ!”

Bài 9: EM VẼ

Em vẽ bức tranh
Có đồng lúa chín
Có dòng sông xanh
Mặt trời lung linh
Tỏa muôn tia nắng
Có con cò trắng
Đang bay ngang trời
Tiếng ai đang cười
Rộn ràng mùa gặt.

Bài 10: BỐ LÀM THỢ MỘC

Bố làm thợ mộc
Thật là khéo tay
Tủ giường bàn ghế
Đều đẹp đều ngay
Nghề làm thợ mộc
Bận lắm chị ơi
Chúng mình ngoan ngoãn
Cho bố vui cười.

Bài 11: CHIẾC VÁY CỦA EM

Chiếc váy đẹp xinh
Lung linh sắc thắm
Hôm nào bé mặc
Cũng đẹp như hoa.
Bé thích lắm cơ
Mỉm cười tươi tắn
Môi hồng má thắm
Như hoa dịu dàng
Chiếc váy hồng đỏ
Thật là đáng yêu.

Thế đấy, giống như người lớn, khi trẻ em làm thơ thì cảm xúc phải được đặt lên hàng đầu. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa thơ của trẻ em và thơ của người lớn viết cho thiếu nhi?
Trẻ em thường làm thơ thật hồn nhiên với những đề tài gần gũi. Những từ ngữ, hình ảnh nhiều khi chưa thật trau chuốt nhưng cái nét hồn nhiên thì không phải người lớn nào cũng bắt chước được. Những nhận thức về lễ nghĩa, phép tắc, ứng xử với tự nhiên, môi trường, những tình cảm với người, với vật cứ thế hiển hiện thật tự nhiên trên câu chữ.
Thơ người lớn viết cho thiếu nhi không phải không có những bài hay và hồn nhiên. Đấy là trường hợp của những nhà thơ có tài viết cho thiếu nhi (do rất nhiều yếu tố để làm nên cái tài đó - ở đây chưa bàn đến). Tuy nhiên, hầu như khi viết cho thiếu nhi, người lớn thường lồng ghép, hoặc áp đặt những bài học mang ý nghĩa giáo dục đạo đức (đây là một trong những chức năng cần có của văn học) nhưng vì lồng ghép một cách cố ý, và có thể kém tài, nên thơ thường mất đi cái vẻ hồn nhiên, nhiều khi còn có vẻ gượng ép. Ngân Đỗ đã có lần gặp những bài thơ như thế, thấy nó già dặn quá, không có được cái “thần” của tâm hồn thiếu nhi.
Nói vậy thôi, chứ Ngân Đỗ chưa bao giờ viết được một câu thơ nào cho thiếu nhi và cho cả chính con mình!