Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY


 

ĐỌC BÀI THƠ "CON ĐƯỜNG CỦA MẸ"

CỦA TÁC GIẢ XUÂN LONG NGUYỄN

                                             ()

Dẫu nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học... hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên.
 

                                     (Thơ vui về phái yếu - Xuân Quỳnh)

         Không biết tự bao giờ, hình ảnh người mẹ đã đi vào văn chương với những dòng vô cùng chân thực và cảm động thiết tha. Trong lòng những người con, mẹ là đấng sinh thành cho con sống giữa cuộc đời này. Mẹ là người cho con tình yêu thương, cho con bài học đầu tiên làm người. Mẹ chịu nhiều gian khó, khổ đau, hi sinh nhẫn nhịn, đắng cay âm thầm để nuôi dạy con nên người. Vì vậy, với con, mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần, là nơi hội tụ những tình cảm sâu nặng nhất. Tháng ba về, ta càng xúc động hơn khi đọc những vần thơ về mẹ của tác giả Xuân Long Nguyễn:

           CON ĐƯỜNG CỦA MẸ

Men bờ tre

Mẹ đi theo lối mòn trâu dậm

Theo đường cong cha đi cày ruộng

Gánh mạ ra đồng

Nghiêng tơi che mẹ bế mẹ bồng

Cấy từng dãnh mạ vào bùn đất

Mẹ thương cây mưa dầm gió rét

Tháng ngày qua lúa đã lên xanh

Mẹ ra đồng theo lối vòng quanh

Năm đôi ba vụ...

 

Đường từ nhà mẹ băng qua chợ

Không đi xa quá buổi bao giờ

Chỉ dài lâu năm đợi tháng chờ

Chúng con đi đánh giặc

 

Ngày về gặp mặt

Đôi bàn chân mòn vẹt giơ xương

Mái tóc xanh đã ủ dầm sương

Tấm lưng thon cong tròn vòi hái

Con đường xưa giờ thêm chiếc gậy

Mẹ run rẩy vào ra

       Mở đầu bài thơ là hình ảnh người mẹ nông dân vất vả nắng mưa cùng công việc đồng áng của mình:

Men bờ tre

Mẹ đi theo lối mòn trâu dậm

Theo đường cong cha đi cày ruộng

Gánh mạ ra đồng

Nghiêng tơi che mẹ bế mẹ bồng

Cấy từng dãnh mạ vào bùn đất

Mẹ thương cây mưa dầm gió rét

Tháng ngày qua lúa đã lên xanh

Mẹ ra đồng theo lối vòng quanh

Năm đôi ba vụ...

Công việc vất vả quanh năm, mẹ không hề kêu ca hay than thân trách phận. Mẹ tảo tần và vui với công việc của mình. Mẹ giàu tình yêu với ruộng đồng, mẹ thương cây mưa dầm gió rét. Năm đôi ba vụ, thời vụ vòng quanh, con đường của mẹ cũng quanh co theo những lối mòn trâu dậm, theo những rãnh cha cày… 


Một người mẹ cũng bình dị như biết bao người mẹ nông dân khác! Đọc những câu thơ này, tôi nhớ đến hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Duy:

Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

Rối ren tay bí tay bầu

Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa.

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)

Thật giản dị và có gì đó như là lầm lụi nữa! Mẹ cứ gắn bó tháng năm với con đường đi chợ, đi làm, không xa quá buổi bao giờ. Nhưng con đường của mẹ còn mang nghĩa biểu tượng: con đường đời. Vất vả. Khó nhọc. Và hơn hết là nỗi ngóng vọng, trông chờ tin những đứa con đi đánh giặc phương xa:

 Chỉ dài lâu năm đợi tháng chờ

Chúng con đi đánh giặc

Mẹ đã tảo tần vất vả, không quản khó nhọc đắng cay  nuôi con khôn lớn nên người. Nhưng bóng giặc còn đó, đất nước còn chưa yên, mẹ lại thầm lặng hi sinh hiến dâng những người con của mình cho Tổ quốc, để tháng năm dài mẹ mòn mỏi ngóng tin con. Rồi giây phút mong chờ ấy đã đến !  Người con trở về từ chiến trường, khi đã hoàn thành nghĩa vụ của người trai với đất nước, xứng với tình mẹ bao dung. Và mẹ con, sau bao năm xa cách, đã thỏa nỗi mong chờ:

Ngày về gặp mặt

Đôi bàn chân mòn vẹt giơ xương

Mái tóc xanh đã ủ dầm sương

Tấm lưng thon cong tròn vòi hái

Con đường xưa giờ thêm chiếc gậy

Mẹ run rẩy vào ra

Nhưng phút giây ấy thật lạ ! Quặn thắt lòng con vì hình hài mẹ sau năm tháng đợi chờ:  gầy yếu, tiều tụy! Tình cảm đó, nỗi chua xót đó không biểu lộ trực tiếp thành lời mà ẩn sau cái nhìn của người con về mẹ. Cái nhìn đó đã dấy lên trong tôi tình cảm thật đẹp về người mẹ ấy! Giản dị, thuần phác, lặng thầm mà bao dung, nhân hậu. Bàn chân mòn vẹt vì bao năm chân đất theo những rãnh cày, nay thêm giơ xương vì gầy yếu. Tấm lưng thon  giờ đây cong tròn vòi hái là dấu tích của một đời người gồng gánh, cấy hái, gắn với ruộng đồng. Mái tóc cũng mang màu của sương nắng thời gian, dấu tích của những thăng trầm, thao thức, lo toan, những đêm không ngủ trong đời mẹ. Hình ảnh mẹ giờ đây có nhiều đổi thay theo tháng năm, tuổi tác. Đặc biệt, con đường xưa, gắn với mỗi bước run rẩy của mẹ là hình ảnh chiếc gậy. Nghẹn ngào và xót xa biết bao nhiêu ! Nhưng cũng thật tự hào và đẹp biết bao nhiêu hình ảnh người MẸ VIỆT NAM đã sống một cuộc đời thầm lặng với những cống hiến thầm lặng cho Tổ quốc, cho cuộc đời. Có người mẹ như thế là có được niềm vinh dự đầy yêu thương và kiêu hãnh, cũng là có được tấm gương sáng cho con cháu noi theo mà tôi luyện nên người!

  Câu từ giản dị phù hợp với hình ảnh giản dị, tình cảm sâu lắng ẩn sau câu chữ... Bài thơ của anh gây xúc động biết bao người vì trong cuộc đời, mấy ai không được sống trong tình mẹ ? Hình ảnh người mẹ già vất vả gầy yếu tóc pha sương thường là điểm hội tụ của tình thương, là nơi khiến lòng con day dứt và xót xa nhiều nhất. Trong bài thơ của anh, hình ảnh người mẹ trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của biết bao người mẹ Việt Nam từ những miền quê nghèo của Tổ quốc nặng trĩu vất vả, lo toan nhưng giàu yêu thương, giàu đức hi sinh trong cuộc đời.

Bài thơ giúp chúng ta thêm yêu và kính trọng những người mẹ Việt Nam - những người phụ nữ bình thường mà vĩ đại. Bài thơ cũng là lời nhắc nhở với những người con còn có mẹ trên đời: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc…”. Không có tình mẫu tử thiêng liêng thì không thể có được những vần thơ xúc động đến thế.

 

19 nhận xét :

  1. . Chỉ một từ mẹ mà thôi
    Mà bao nhiêu nghĩa ở đời lòng con
    .Con đi khắp biển cùng non
    Đâu bằng chân mẹ vì con đêm ngày ..............
    ............
    Một từ mẹ thôi -rất đơn sơ mà mấy người làm con như chúng ta hiểu hết bạn nhỉ -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đó ! Nhà thơ ạ !
      Tác giả Nguyễn Duy cũng đã viết:
      "Ta đi trọn kiếp con người
      Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru"...
      Cảm ơn anh đã chia sẻ !

      Xóa
  2. XS ghé thăm chị, chúc chị vui nhiều, Cám ơn chị với Con Đường Của Mẹ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu rồi không gặp, thấy XS viết thật lên tay, mà chưa có thời gian đọc kĩ hơn chứ ! Cảm ơn XS, chúc XS thật vui nhân ngày 8/3 nhé !

      Xóa
  3. Sang thăm mà chủ đi vắng rồi
    Thì đành đẻ lại một lời -Khỏe nha -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khách đến chủ chẳng có nhà
      Chủ về nhắn khách: mai đà lại thăm !

      Xóa
  4. Mẹ già tóc đã pha sương
    Con thương cả những đoạn đường mẹ qua
    Ước mong được trở về nhà
    Ăn cơm mẹ nấu rau cà cũng ngon !

    Trả lờiXóa
  5. Những vần thơ của NTMT nhẹ nhàng mà tha thiết, thật hồn nhiên mà giàu tâm tình, khái quát được ý nghĩa của bài thơ, vừa mở ra những suy nghĩ mới. Chúc NTMT ngày mới vui vẻ và được ăn cơm mẹ nấu nha !

    Trả lờiXóa
  6. Ghé vào làm quen gặp bài thơ "của mẹ" làm mình rưng rưng nhớ mẹ. chúc bạn đêm bình an nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh, rất hân hạnh được anh ghé thăm. Chúc anh đêm ngon giấc !

      Xóa
  7. Thăm bạn -chúc bạn chiều chủ nhật vui vẻ -hạnh phúc bạn nhé -

    Trả lờiXóa
  8. Bà ru cháu, mẹ ru con
    Đắp bồi hao khuyết, sáng tròn tăng lu...

    Mẹ giờ vào cõi thiên thu
    Rưng rưng con tự hát ru... dỗ mình!...

    Đó là khi anh xem bài của em viết về bài thơ CON ĐƯỜNG CỦA MẸ của Nguyễn Xuân Long nên nhớ mẹ và chia sẻ đôi dòng. Cảm ơn em đã giới thiệu một bài viết hay về mẹ. Chúc em luôn khỏe vui và hạnh phúc nhiều nhé em!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh vội nên gõ chữ sai. Dòng thơ thứ hai từ trên xuống xin được đọc lại là:
      Đắp bồi hao khuyết, sáng tròn trăng lu...

      Xóa
    2. Vâng, tình mẹ luôn chan chứa trong lòng những người con mà anh.

      Xóa
  9. Thơ ca viết về mẹ bao giờ cũng đem lại nhiều cảm xúc trân trọng. Bài viết khá hay làm lão muốn chia sẻ với em cũng bài viết về chủ đề mẹ qua bài thơ của Vương Trọng. http://tan262.blogspot.com/2013/01/nho-ve-que-noi-1821-25-thg-12-2011-ca.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn lão đã động viên và chia sẻ !
      Em sẽ đọc bài đó thật kĩ. Lão cung cấp cho em những thông tin cơ bản về tác giả Vương Trọng, được không ạ ?
      Chúc lão luôn vui ! À, lão thật hóm hỉnh đó !

      Xóa
    2. Người tài nên kén chọn ghê
      Muốn sang thăm, cũng bị chê: ngoài rìa !
      Thôi đành lủi thủi đi về
      Kéo theo nỗi nhớ ê chề xót xa ...

      Xóa