ĐỌC BÀI THƠ “NHỚ MẸ”
Cần bao nhiêu nước cho bằng
một đại dương? Cần bao nhiêu lời mới nói hết tấm lòng của con với mẹ? Bởi tình mẹ như
nước đại dương bao la, để bao người con suốt đời không đền đáp nổi ân tình của
mẹ, nhất là khi mẹ chẳng còn trên cõi đời này, con chỉ còn biết “Ngồi buồn
nhớ mẹ ta xưa…” (Nguyễn Duy). Nằm
trong nguồn mạch ấy, tác giả Trương Quang Thứ đã viết những dòng thơ thể hiện
nỗi niềm nhớ thương vời vợi đối với mẹ mình :
NHỚ MẸ
Hòn tảng kê chân cột nhà
Xưa là chiếc cối mẹ ta giã trầu
Người về tiên cảnh từ lâu
Quết trầu thắm sẫm in màu thời gian.
Nhà giờ xây mới đàng hoàng
Hòn đá tảng cũng tân trang lên đời
Còn đâu nữa quết trầu vôi
Con nghe trống vắng chơi vơi lòng mình...
Trương Quang Thứ
Nhà
thơ đã viết bài thơ về mẹ thật giàu cảm xúc và suy tư. Anh đã nói lên lòng mình
và nói hộ tấm lòng của bao người con khi hoài niệm về mẹ. Biết bao nhiêu cung
bậc nỗi niềm dâng lên trong lòng con khi nhớ về mẹ thương yêu !
Mở
đầu bài thơ, tác giả viết:
Hòn tảng kê chân cột nhà
Xưa là chiếc cối mẹ ta giã trầu
Lời
thơ giản dị, mang tính chất tự sự, tâm tình, nén xúc cảm vào trong, ẩn chứa hoài
niệm về quá khứ, gợi những kí ức về mẹ thuở sinh thời. Tác giả kể lại rằng: "Mẹ
không có cối giã trầu mà dùng hòn đá tảng vốn kê chân cột nhà để làm cối rồi
dùng búa nhỏ hoặc một hòn đá cuội nhỏ đập dập cau trầu ra cho mềm - vì mẹ móm,
răng rụng và lung lay. Cho nên, hòn đá tảng bầm đỏ, sẫm lại vết quết
trầu". Điều đó được “thuật” ở
những câu thơ tiếp theo:
Người về tiên cảnh từ lâu
Quết trầu thắm sẫm in màu thời gian.
"Hòn tảng" ở đầu bài thơ đã trở thành “chiếc
cối giã trầu” thật đặc biệt ! Cùng với “quết trầu”, nó là dấu tích cuộc sống
thiếu thốn của mẹ, là minh chứng cho một cuộc đời dân dã, giản dị, in dấu nét
trầm tích của văn hóa Việt (tục ăn trầu). Dẫu Người đã về tiên cảnh từ lâu,
nhưng những dấu tích Người để lại vẫn
còn qua quết trầu thắm sẫm bởi thời
gian. Quết trầu còn đó là hình ảnh thân thương của mẹ ngày ngày vẫn hiện hữu
trong con. Nhìn quết trầu, con như nhìn thấy mẹ của lam lũ tảo tần, của phong
trần nắng gió cơ cực mẹ từng mang…
Mẹ
đã đi xa… Cuộc sống giờ đây cũng có nhiều thay đổi. Đời sống kinh tế đã khấm
khá hơn, căn nhà cũng được xây mới thật khang trang:
Nhà giờ xây mới đàng hoàng
Hòn đá tảng cũng tân trang lên đời
Có
lẽ phải thật vui, bởi trong dòng thăng trầm của cuộc đời, người ta thường vui
trước những đổi mới theo hướng đi lên - hướng đi lên trong bài thơ nói đến là
sự phát triển về kinh tế. Nhưng trong hoàn cảnh của bài thơ, đời sống đã thay
đổi, nhà mới đã xây đàng hoàng hơn, sao lòng con lại thấy trống vắng,
chơi vơi ? Ta hãy lắng nghe tiếp câu chuyện của người con về mẹ: Khi mẹ mất, con cháu mỗi lần quét, lau nhà có ý rửa lau cho
sạch vết quết trầu, nhưng anh không cho, và cố để lưu lại vết trầu
đó để nhìn nó là nhớ về mẹ. Nhưng vì khi làm nhà mới, phải sửa
lại tất cả cột kèo và hòn đả tảng cho đồng bộ nên vết trầu bị
xóa mất. Do
đó, nhà mới to đẹp đàng hoàng rộng rãi mà lòng anh bỗng hụt hẫng
trống vắng chơi vơi...
Câu
chuyện về mẹ khiến lòng ta bùi ngùi rưng rưng niềm xúc cảm. Thì ra, trong cuộc
đời, bên cạnh đời sống vật chất, thì cần nhiều hơn nữa, đó là đời sống tinh
thần. Mà tinh thần của con lại gửi phần nhiều nơi mẹ. Giờ đây, nhà xây mới, đàng hoàng,
nhưng mẹ đã về tiên cảnh từ lâu, nên lòng con riêng mối ngậm
ngùi. Phải chăng cũng vì thế mà cuộc sống ngày nay càng khấm khá thì con lại
càng thương mẹ nhiều hơn, càng xót xa bởi những dấu tích về mẹ ngày một mờ xa
nơi không gian con sống. Cảnh vật thay đổi, người đã đi xa... Chiếc cối giã
trầu - hòn tảng, kỉ vật còn vương dấu ấn của đời mẹ, nhắc con nhớ về
mẹ nhiều hơn, thương mẹ nhiều hơn. Cuộc sống đủ đầy hơn nhưng càng nhìn hòn
tảng đã được tân trang lên đời càng dâng lên trong
con biết bao nỗi niềm:
Còn đâu nữa quết trầu vôi
Con nghe trống vắng chơi vơi lòng
mình...
Những
tiếng : còn đâu nữa… nghe thật xót
xa, như tiếng kêu than đầy tiếc nuối ! Quết
trầu vôi không còn dưới chân hòn tảng ! Nhưng nó còn lưu dấu
mãi trong lòng con ! Thắm đượm hơn xưa ! Và vô cùng bền vững ! Hòn tảng đã tân
trang, nhưng nó vẫn là hòn tảng kê chân cột nhà khi xưa. Hòn tảng ấy, quết
trầu ấy là những gì thuộc về mẹ, mang dấu ấn của mẹ, nay đã góp phần tạo nền
tảng vững chắc trong đời sống của con cháu. Chắc mẹ không buồn, không trách kẻ
hậu sinh?
Có
thể mẹ không buồn, không trách, nhưng bài thơ kết lại với tâm trạng trống vắng, chơi vơi thật
buồn ! Đó là nỗi buồn của con, nỗi buồn mang cảm giác thiếu vắng, mất mát, hụt
hẫng, tiếc nuối; có cả những ngậm ngùi, cay đắng, ân hận, day dứt, xót xa... Chiếc cối giã trầu của mẹ thật đặc biệt ! Nó đâu giống những chiếc cối giã trầu của biết bao người mẹ Việt Nam, để có thể cất giữ trong bảo tàng gia đình ? Con chỉ còn biết nghẹn ngào, lặng thầm cất giữ nó trong "bảo tàng của lòng con" mà thôi ! Tâm trạng ấy giúp ta hiểu hơn về tình người, vinh danh tình người, tình con với
mẹ.
Hình ảnh người mẹ được tái hiện qua những kí ức, qua sự đối lập
giữa hiện tại và quá khứ, được tạc lên qua những vần thơ lục bát hết sức dung
dị, cổ xưa và cũng trường tồn, bền vững như chính tâm hồn dân tộc, hòa quyện
với giọng điệu trầm lắng, suy tư. Qua dòng hoài niệm ấy, mẹ hiện lên. Rất đời
thường ! Không quyền quý, cao sang ! Hình ảnh người mẹ nghèo, đến cả cái cối
giã trầu (vật dụng hiểu theo đúng nghĩa đen) cũng không có mà có sức lay động
lòng người đến lạ ! Qua nỗi niềm, tình cảm nhớ thương mẹ, tác giả nhắc ta biết
trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng, vĩnh hằng. Bằng tình cảm chân thành và sâu
sắc với mẹ, tác giả đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc từ độc giả, bởi mấy ai
không từng có những ngày tháng sống bên mẹ trong cuộc đời ?
Hơn
nữa, trân trọng, biết ơn mẹ cũng là trân trọng những giá trị tinh thần, là lòng
biết ơn quá khứ. Đó là thái độ sống đẹp, tích cực, thể hiện truyền thống Uống
nước nhớ nguồn của dân tộc. Người ta thường nói : Thơ
chính là người. Đọc bài thơ, ta được tiếp xúc với cái tôi giàu tình
mẫu tử, giàu suy tư, biết trân trọng tình người, trân trọng quá khứ, có thái độ
sống tốt đẹp, cũng là một cái tôi chân thực, giản dị qua những vần thơ mộc mạc,
đẫm tình người. Đọc bài thơ Nhớ Mẹ, mỗi người con như hòa
vào dòng cảm xúc của tác giả, tự kiểm điểm lại mình, để tâm hồn trong trẻo,
hoàn thiện hơn. Vì thế, bài thơ của anh, tình cảm của anh càng đẹp trong lòng
người ở xã hội hôm nay.
Một trong những tiêu chí để đánh giá một tác phẩm văn
chương đích thực là phải thể hiện dấu ấn sáng tạo của người viết. Văn
nghĩa là không giống ai (Nguyễn Tuân), nó chỉ dung nạp những
người biết đào sâu, biết tìm tòi, biết khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng
tạo những gì chưa có (Nam Cao). Ra đời khi trong làng thơ ca đã có
biết bao lời thơ xúc động về mẹ nhưng bài thơ không rơi vào lối mòn quen thuộc
mà có hướng đi riêng. Nhà thơ không ca ngợi công lao, không kể lể về cuộc đời
của mẹ với những thăng trầm vất vả, những sóng gió gian nan, mà chỉ gợi nét dấu
ấn cụ thể qua hình ảnh hòn tảng - vật mẹ dùng kê giã trầu khi xưa - và quết trầu - dấu tích về mẹ . Nhưng những
điều đơn sơ ấy đã gợi lên bao kí ức về mẹ, bao tâm trạng, nỗi niềm trong lòng
con.
Nhẹ
nhàng và đôn hậu, giản dị mà sâu sắc, cụ thể mà khái quát, gợi
nhiều hơn tả, bài thơ của anh có sức lay động trái tim độc giả. Mẹ
Việt Nam
muôn đời vẫn vậy, giản dị và in dấu trong đời con ! Để cho con muôn đời mắc nợ
- nợ ân tình của mẹ. Để đến hôm nay, dẫu mẹ đã đi xa, khi tóc con đã pha sương,
hình ảnh mẹ trong con vẫn không phai nhòa, thậm chí còn khắc ghi sâu đậm hơn
nữa.
Với tình cảm đằm thắm, lắng sâu, với bản lĩnh nghệ thuật của nhà thơ Trương
Quang Thứ, anh đã viết lên những dòng thơ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng
người đọc. Nhớ Mẹ đã trở thành bài
ca ca ngợi một trong những tình cảm thiêng liêng của con người : TÌNH MẪU TỬ.
Một bài thơ thấm đẫm tình cảm...dẫn đến cảm xúc dâng trào để chị viết ra những lời cảm nhận thật sâu sắc. cám ơn anh Trương Quang Thứ và chị Đỗ Thuý Ngân cho em thưởng thức những điều bổ ích.làm hành trang trong cuộc sống
Trả lờiXóaCũng là tình cờ thôi Xuân Sơn à ! Tình mẫu tử là tình cảm rất thiêng liêng, những vần thơ mộc mạc mà vô cùng sâu sắc của anh TQT dễ rung động lòng người, làng G mình đến họa rất đông đó ! Chị cũng chỉ ghi lại vài cảm xúc khi vẻ đẹp của bài thơ tác động đến lòng mình thôi !
XóaChúc Xuân Sơn nhiều thành công nhé !
Chào Thúy Ngân và Xuân Sơn quý mến!
XóaAnh rất cảm động khi bài thơ NHỚ MẸ của anh vừa in trên trang nhà đã dược đông đảo bạn bè cùng hai em kịp thời đón đọc và dành cho nhiều sự đồng cảm và mến mộ. Đặc biệt và bất ngờ hơn nữa là trong ngày hôm đó bài thơ đã được Thúy Ngân viết lời cảm nhận, phân tích nội dung một cách sâu sắc về nỗi ngậm ngùi, thương yêu, tiếc thương của người con khi nhớ về mẹ. Giúp bài thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng hơn trong tình cảm mẫu tử thiêng liêng khi đi vào tâm trí người đọc...
Anh cảm ơn Thúy Ngân và Xuân Sơn đã quan tâm nhiệt tình và dành cho anh sự chân thành ưu ái trong nhìn nhận và đánh giá tác phẩm! Chúc hai em cùng gia đình luôn khỏe vui, hạnh phúc, đạt đc nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống và sáng tác nhé!...
tình mẹ rất bao la
Xóa"Còn đâu nữa quết trầu vôi
Trả lờiXóaCon nghe trống vắng chơi vơi lòng mình..."
Nén hương phảng phất thinh không
Bồng lai đất Phật mây hồng viễn du…
Chào anh GH sang chơi, có thơ họa vui cùng tác giả !
XóaNhững cảm nhận của anh đã hòa cùng một nhịp với tác giả bài thơ đấy !
Là một người viết, không có niềm vui nào bằng được một người đồng cảm và cảm nhận đứa con tinh thần của mình sâu sắc thế này.
Trả lờiXóaThấy anh chị họa thơ với nhau thật vui, đọc bài cảm nhận rất xúc động của chị. Chúc mừng những tâm hồn đẹp đã tìm được lời đồng điệu.
Theoi chân chị sang thăm cho biết nhà. Cuối tuần thật vui cùng gia đình chị nhé !
Thật vui khi được bạn sang thăm và cổ vũ. Mình đã đọc những bài viết của bạn, thật giàu chất thơ, chất trữ tình sâu lắng và cũng rất cá tính. Thật đáng để tâm.
XóaChúc bạn luôn dồi dào cảm hứng sáng tạo, sẻ chia nhé !
http://tho.com.vn/bai-viet/do-thuy-ngan-voi-loi-binh-bai-tho-nho-me-cua-nha-tho-truong-quang-thu/43626
Trả lờiXóaEm mạn phép đăng lời bình rất hay của chị lên Thi Đàn...xin phép chị XS dẫn line về đây ạ.
Vậy à. Chị chưa kịp trau chuốt gì đâu. Bài này còn mộc mạc lắm SX à.
Trả lờiXóaChị xem bài em dẫn bên đó, còn thiếu đoạn cuối chị mới bổ sung ít lâu. Em bổ sung trong bài đăng nhé.
em đã bổ sung chị ạ! chúc chị vui nhé
Trả lờiXóaST đã đọc bài thơ này của anh TQT và cũng đã đọc lời bình của Hồ Nhật Thành. Hôm nay lại được đọc bài bình này của Đỗ Thúy Ngân thì thấy thích thú lắm. Mỗi người có cách tiếp cận và khám phá thi phẩm một cách khác nhau nhưng các bạn đã đều tìm được cảm xúc thiết tha của tình mẫu tử.
Trả lờiXóaĐúng là " hữu xạ tự nhiên hương". Chính độc giả đã bình lên danh hiệu nhà thơ. Bài thơ đã tạo cảm xúc cho nhà phê bình và ngược lại, nhà phê bình lại làm cho thơ neo đậu bền chặt hơn, xa rộng hơn trong lòng người yêu thơ.
Vui nha Ngân
Cảm ơn chị đã sang chia sẻ và động viên em. Bài thơ của anh Quang Thứ rất hay, thấu động đến cảm xúc của em , một người đọc, một người con của mẹ. Vì vậy, bài thơ vừa đăng, em vô đọc được là viết liền đó chị à. Dẫu biết cảm xúc của mình trước bài thơ thì có - đó cũng là thành công của anh Quang Thứ - nhưng ngôn từ của mình có thể chưa truyền tải hết vẻ đẹp của bài thơ. Rất mong nhận thêm những lời góp ý chân thành từ phía chị để em hoàn thiện hơn bài viết của mình.
XóaNT thăm Ngan Do, đọc bài bình thơ thật hay. Hi, bình thơ đã khó, thơ được bình càng khó hơn. Đồng cảm như một điều gì đó thật trong trẻo như một nguồn suối mát, như một cơn mưa cho lá thêm xanh, thơ bay bỗng hơn.
Trả lờiXóaTình mẹ bao la, nhiều lúc con người ta không cảm hết. Chấm phá vài điều đã là thật sự thành công. Mùa vu lan, chúc mọi người mẹ có được những niềm vui dâng trào.
Cảm ơn anh Thu Nguyễn sang thăm và có lời đồng cảm, đồng tình khiến em rất vui. Đọc được bài thơ hay, nỗi xúc động chân thành xui mình cầm bút. Chỉ lo khả năng cảm nhận và khả năng ngôn từ của mình có hạn thôi anh à. Mong được thường xuyên chia sẻ cùng anh!
Trả lờiXóa