Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Ở PHÍA KHÔNG ANH



Ở PHÍA KHÔNG ANH
Ngọn gió nào vừa thoáng đi qua
Gieo nỗi nhớ lên cành cây ngọn lá
Góc công viên chỏng chơ hàng ghế đá
Lạnh vai gầy run rẩy trước đơn côi.

Ngọn gió nào vừa mới qua thôi
Để nỗi nhớ thấm con tim bé nhỏ
Để nghe nhịp thời gian vụn vỡ
Để bàng hoàng nức nở phía không anh.

Phía không anh - nỗi nhớ cứ vòng quanh!
Công viên lạnh hay tình ai lạnh giá?
Hàng me xưa, chim vẫn chuyền rộn rã
Ríu rít goị bầy, hối hả yến oanh…

Quá khứ vẫn hiện hình, dẫu quá khứ mong manh
Bờ vai lạnh, lạnh thêm hàng ghế đá
Anh nơi đâu, sao bây giờ xa quá ?
Ướt mảnh trăng thề, ướt cả giấc mơ em !

Lí trí nào xui khiến được con tim
Em chẳng thể dối lòng thôi nhung nhớ
Tiếng thời gian, tiếng không gian vụn vỡ
Tiếng lòng còn nức nở phía không anh….

Chở giùm ta nỗi nhớ, hỡi gió lành
Về với miền ta yêu thương tha thiết
Dẫu chia xa, lòng ta đâu cách biệt
Nỗi nhớ cứ nồng nàn da diết mãi khôn nguôi…

Anh nơi nào? Có nghe nhịp lứa đôi?...


Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

TẬP TÀNH THEO LỐI HAI-KƯ

TẬP TÀNH THEO LỐI HAI-KƯ

     1.   Sương mờ tím chân trời
         Chiều nhặt khoan buông lưới
         Ta về nơi đâu? 

         2.  Hồ lảng bảng sương giăng
        Ẩn hiện thuyền ngư phủ
        Nao nao mơ màng.



    3.  Ngoài song lá trở vàng
        Phòng đơn se lạnh thân cô phụ
        Ngẩn ngơ tìm mùa xưa.



     4.  Tuyết rơi đầy không gian
          Tìm anh hoài, chỉ thấy tuyết phủ
          Tái tê thân đơn gầy .


Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

THƠ HAI-KƯ


                         THƠ HAI-KƯ(1)
I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA THƠ HAI-KƯ
Nói đến Nhật Bản, người ta thường nghĩ đến một trong những cường quốc Châu Á và thế giới hiện đại. Không chỉ thế, Nhật Bản còn có một nền văn học rất phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Nếu dân tộc Việt Nam tự hào với thể thơ lục bát, người Trung Quốc tự hào vì có thơ Đường,... thì người Nhật Bản lại tự hào vì có thơ hai-kư, một trong những thể thơ độc đáo trên Thế giới.
Thơ hai-kư bắt đầu hình thành từ thế kỉ XVI và đạt đỉnh cao ở thế kỉ XVII. Là thể thơ ngắn nhất thế giới, thơ hai-kư thường có 17 âm tiết (có thể ngắn hoặc dài hơn một chút), được ngắt làm 3 dòng (5-7-5). Ba dòng trong bài thơ hai-kư có các chức năng khác nhau:
- Dòng thứ nhất: giới thiệu
- Dòng thứ hai: tiếp tục ý trên và chuẩn bị cho dòng thứ ba
- Dòng thứ ba: kết lại tứ thơ, nhưng không bao giờ rõ ràng, đủ ý mà phải mở ra những suy tư, những dư vị cảm xúc trong lòng người đọc theo kiểu cam dư chi vị, huyền ngoại chi âm (vị ngọt sau khi ăn, tiếng ngân ngoài dây đàn).
 Lấy đề tài là khoảnh khắc của cảnh vật cùng những khoảnh khắc đỉnh điểm của cảm xúc, thơ hai-kư thường miêu tả thiên nhiên theo mùa (quý đề), sử dụng những từ miêu tả thiên nhiên của mùa (quý ngữ). Vì vậy, khi thơ hai-kư lướt qua tâm hồn, người đọc như được chạm vào thiên nhiên, đắm mình trong hơi thở của mùa. Thiên nhiên trong thơ hai-kư thường là những cảnh vật bình dị, những vật nhỏ bé, dễ bị lãng quên: một tiếng chim quyên, một tiếng ve ngâm, một làn tóc rối, một cánh quạ chiều, một con ếch nhỏ, một chú khỉ con, một bông hoa dại… Thơ hai-kư thấm đẫm tinh thần Thiền tông và văn hóa phương Đông (con người và vạn vật nằm trong mối quan hệ khăng khít với một cái nhìn nhất thể hóa, những hiện tượng của tự nhiên có sự tương giao và chuyển hoá lẫn nhau).
Về cảm thức thẩm mĩ, thơ  hai-kư đề cao cái Vắng lặng, Đơn sơ, U huyền, Mềm mại, Nhẹ nhàng. Ngôn ngữ thơ hai-kư hàm súc, thiên về gợi, không có chỗ cho những từ hoa mỹ phù phiếm. Cái đẹp của thể thơ nhẹ nhàng đơn sơ này là cách nó nắm bắt tố chất của sự vật trong một vài từ. Sức mạnh của thể thơ nhỏ nhắn, mong manh này ở cách nó khơi gợi, đánh thức liên tưởng nơi tâm hồn ta. Để tạo nên điều đó, thai-kư sử dụng thi pháp “chân không”: tạo những mảng trắng, khoảng trống trong bài thơ như một phương tiện làm nổi bật ý nghĩa của bài thơ; dưới sự liên tưởng đa chiều của người đọc, các lớp ý nghĩa có thể hiện lên rất phong phú.
II. GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI THƠ HAI-KƯ CỦA NHẬT BẢN
Là quê hương của thơ hai-kư, Nhật Bản có nhiều thi sĩ làm thơ hai-kư tài năng như Y.Bu-son (1716-1783), K.Ít-sa (1763-1827), M.Si-ki (1867-1902)… Song, trong số rất nhiều thi sĩ làm thơ hai-cư, Ma-su-ô Ba-sô (1644-1694) được đánh giá là bậc thầy.
M. Ba-sô là một thi sĩ hành hương danh tiếng của Nhật Bản. Ông sinh ra trong một gia đình võ sĩ cấp thấp ở quê hương U-ê-nô, xứ I-ga (nay là tỉnh Mi-ê). Năm 28 tuổi, ông chuyển đến kinh đô Ê-đô sinh sống và làm thơ Hai-cư, bút hiệu là Ba-sô (Ba Tiêu), nghĩa là Cây chuối (vì ông rất yêu loại cây này) . Là con người tài hoa, ưa lãng du, trong 10 năm cuối đời, ông du hành hầu khắp đất nước. Dấu ấn đó đọng lại trong các tác phẩm của ông: Phơi thân đồng nội (1685), Đoản văn trong đãy (1688), Cánh đồng hoang (1689), Áo tơi cho khỉ (1691), Lối lên miền Ô-ku (1689)...
Sau đây là một số bài thơ của M. Ba-sô:
Bài 1
Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương.
Bài thơ ghi lại sự thực về cuộc đời nhiều biến đổi, lãng du của Ba-sô. Ông quê ở Mi-ê, lên Ê-đô (Tô-ki-ô) ở được 10 năm rồi trở về thăm lại quê (lúc này, nhà thơ khoảng 38 tuổi). Đây cũng là hoàn cảnh của nhiều tác giả, trở thành đề tài trong thơ (bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương, bài Trở lại An Nhơn của Chế Lan Viên...)(2) song, bài thơ không đi theo lối mòn để ghi lại những cảm xúc bồi hồi, buồn vui lẫn lộn khi về quê cũ mà lại là một khoảnh khắc tâm trạng thật bất ngờ. Khoảnh khắc ấy được biểu hiện ở câu thứ ba, câu dồn tụ ý tưởng toàn bài thơ:
Ê-đô là cố hương
Cố hương, tức là quê cũ, là nơi từng gắn bó máu thịt với con người. Khi nhà thơ viết  Ê-đô là cố hương tức là Ê-đô, mảnh đất nơi mình gắn bó suốt mười năm xa quê hương, nay đã trở thành nơi gắn bó máu thịt trong lòng, là quê hương thứ hai vô cùng thân thiết. Vì thế, bài thơ gợi tình cảm tha thiết, chân thành với miền đất từng gắn bó.
Khi xưa, Giả Đảo cũng từng viết ý này:
ĐỘ TANG CÀN
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô tang cánh độ Tang Càn thủy
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
(Làm quan ở đất khách Tinh Châu đã mười năm
Ngày đêm nhớ quê Hàm Dương muốn trở về
Không dưng lại vượt qua sông Tang Càn
Ngoảnh lại Tinh Châu, thấy đó như quê hương mình.)
Những tưởng bài thơ tứ tuyệt của Giả Đảo đã rất cô đọng rồi. Nhưng khi đọc đến bài thơ hai-kư cuả M.Ba-sô mới thấy bài thơ của Giả Đảo còn nhiều từ thừa thãi: những lời dẫn giải, những địa danh..., mà trong thơ thì kị nhất là ý thiểu từ phí (ý ít lời nhiều). Bài thơ hai-kư của M.Ba-sô mới thật là súc tích, nó chỉ chắt lọc lấy cái hay nhất của bài Độ Tang Càn: tứ thơ.
Sau này, trong bài thơ Tiếng hát con tàu, nhà thơ Chế Lan Viên cũng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Vì thế, có thể nói: bài thơ của M.Ba-sô đã gợi được sự đồng điệu, là tiếng nói chung của bao người xa quê khi gắn bó với quê hương thứ hai, nơi đã cưu mang mình khi xa nơi cắt rốn chôn rau.
 Bài 2
Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
Bài thơ là nỗi niềm hoài cảm về kinh đô Ki-ô-tô đẹp đẽ đầy kỉ niệm. M.Ba-sô ở kinh đô Ki-ô-tô từ thời trẻ (1666-1672), tức là từ khi 22 tuổi đến 28 tuổi, sau đó, ông lên Ê-đô. Hai mươi năm sau, về cuối đời, ông trở lại, nghe tiếng chim đỗ quyên hót mà viết nên bài thơ này.
Quý ngữ chim đỗ quyên (chim tu hú) là dấu hiệu của mùa hè. Trong văn học Trung Quốc, chim đỗ quyên gắn liền với điển tích Thục đế bị mất nước. Ở Nhật Bản, chim đỗ quyên được gọi là hô-tô-tô-ghi-su, là loài chim rất nổi tiếng trong thơ hai-kư. Loài chim này thường kêu vào đầu hè. Nó không hót khi trời đẹp mà thường hót vào xẩm tối, vào đêm trăng hay khi trời mưa...với tiếng kêu rất thê thiết. Vì thế, tiếng chim đỗ quyên còn được dùng với nghĩa thương tiếc thời gian, và đặc biệt thể hiện nỗi buồn và sự vô thường. Trở về Kinh đô sau hai mươi năm xa cách, M.Ba-sô nghe tiếng chim đỗ quyên hót ở  Kinh đô nay (hiện tại) mà nhớ về Kinh đô xưa (quá khứ):
Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
Chủ thể của bài thơ bị xóa mờ. Ở giữa Kinh đô ngày nay mà nhớ về Kinh đô ngày xưa, một Kinh đô đầy kỉ niệm, một Kinh đô đã vĩnh viễn qua rồi! Với nghĩa đó, bài thơ là nỗi niềm hoài cổ, gợi nhiều tâm trạng: bâng khuâng, nhớ tiếc, có gì đó như chua xót nữa! Cái thời đã qua của Kinh đô cũng là cái thời đã qua của một kiếp con người, những cái đã qua ấy không lấy lại được. Đó là cái nhìn đầy biện chứng. Vì thế, âm thanh trong bài thơ gợi nhiều dư âm. Tiếng chim đỗ quyên hót hay tiếng lòng người đang thổn thức bâng khuâng trong nỗi nhớ tiếc thời gian? Hay cả tiếng chim và tiếng người? Điều ấy thật mơ hồ, mang đặc trưng của thơ hai-kư, tạo dư vị đầy ám ảnh cho bài thơ.
Bài 3
Lệ trào nóng hổi
Tan trên tay tóc mẹ
Làn sương thu.
Bài thơ này được viết trong một hoàn cảnh tâm lí đặc biệt. Năm M.Ba-sô 40 tuổi, ông du hành đến vùng Ka-sai, nơi gần nhà, nên đã ghé về thăm quê, mới biết mẹ đã mất. Người anh đưa cho ông mớ tóc bạc của mẹ...
Trong bài thơ, hiện thực đó được Ba-sô nhắc tới. Hình ảnh mái tóc của mẹ vô cùng gợi cảm. Nó chính là di vật của người mẹ đã mất, là biểu tượng cho cuộc đời vất vả một nắng hai sương của người mẹ, gợi những hao mòn của cuộc đời mẹ theo năm tháng ngóng tin con...
Vẻ đẹp của bài thơ còn ở chỗ cách diễn đạt của tác giả đã gợi lên trường liên tưởng trong lòng người đọc. Quý ngữ: làn sương thu tạo nên một hình ảnh đa nghĩa: Giọt lệ như sương thu? Tóc mẹ như làn sương thu? Đời người như làn sương - ngắn ngủi, vô thường? ... Cụm từ tan trên tay cũng có thể gắn với các đối tượng (chủ thể) khác nhau: dòng lệ nóng hổi tan trên tay (khi con ôm mặt khóc mẹ)? Hay tóc mẹ như tan trên tay con vì nó được nhìn qua đôi mắt nhòe ướt bởi lệ trào? Hình ảnh dòng lệ trào nóng hổi gợi lên nỗi xót xa, đau đớn vì  mất mẹ. Nó là dòng lệ tức tưởi, bàng hoàng thể hiện tình con với mẹ thương yêu. Tình mẫu tử ở đây được thể hiện cô đọng mà xúc động đến nhường nào!
Bài 4
Từ bốn phương trời xa
Hoa anh đào lả tả
Gợn sóng hồ Bi-wa.
Dựa vào quý ngữ hoa anh đào, người đọc phát hiện bài thơ miêu tả mùa xuân. Cảnh mùa xuân được vẽ lên từ muôn ngàn cánh hoa đào như từ bốn phương trời xa về hội tụ quanh hồ Bi-wa, dệt tấm lụa hồng trang điểm cho cảnh hồ, rồi rụng lả tả làm mặt hồ gợn sóng. Bài thơ không nói đến gió nhưng người đọc vẫn liên tưởng tới những làn gió nhè nhẹ của mùa xuân đang giỡn trên những cánh hoa anh đào đủ làm hoa rơi lả tả, bay theo gió, đậu xuống mặt hồ, làm sóng hồ lăn tăn. Hơn nữa, hồ Bi-wa là hồ lớn nhất của Nhật Bản, giống hình cây đàn tì bà, rất đẹp. Những cánh hoa anh đào nhẹ nhàng đậu xuống mặt nước hồ giống như thiên nhiên đang khẽ dạo lên khúc nhạc trên cây đàn tì bà khiến những sóng nhạc ngân nga loang theo sóng hồ. Cảnh thiên nhiên giản dị, đơn sơ mà sáng đẹp, lãng mạn. Những chuyển động thật nhẹ nhàng đã thể hiện sự tương giao của các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, thấm đẫm tinh thần triết lí Thiền tông.
Thật khó có thể có được cách gợi tả hay đến thế!
III. MỜI BẠN CÙNG THỬ SÁNG TÁC THƠ HAI-KƯ
Cho đến nay, thơ hai-kư vẫn tiếp tục được người Nhật Bản yêu thích và sáng tác. Thể thơ này còn được nhiều nhà thơ phương Tây tiếp thu và sáng tác thơ hai-kư bằng tiếng nước mình, trong đó có một số nhà thơ tiêu biểu như: R.M.Ri-cơ (Đức), P.Ê-luy-a (Pháp), Ốc-ta-vi-ô Pát Tây Ban Nha)... Ở Việt Nam, một số người cũng sáng tác thơ theo thể này. Người được mệnh danh là Ông hoàng thơ hai-kư Việt là nhà văn Nhật Chiêu (www.nguoiduatin.vn/ong-hoang-tho-haiku-tai-viet-nam-a49209.html).
Nhân bàn về thơ hai-kư, xin chia sẻ mấy vần Ngân ngẫu hứng trên đường đi làm về, tập tành theo lối thơ này:
1. Sen cuối mùa
    Tàn tạ
    Cô phụ bên hồ.
2. Sương giăng mịt mù
    Hay mắt ai nhòa lệ
    Tình chia xa.
3. Xào xạc bờ tre
    Thuyền lá lượn
    Sóng hồ chênh chao.
Mời bạn cùng trao đổi thêm về thể thơ này. Nếu bạn có hứng thú, xin mời cùng thử bút!
.........................
Chú thích:
(1). Thơ hai-kư, còn có tài liệu phiên âm là thơ hai-ku. Cách phiên âm là hai-kư có lẽ do tránh sự hiểu lầm nghĩa theo âm tiếng Việt? Người viết chọn cách phiên âm này.
(2) Bài Hồi hương ngẫu thư:
Phiên âm:  
Thiếu tiểu li gia lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng há xứ lai?
(Hạ Tri Chương)
Dịch thơ: Ngẫu hứng viết khi về thăm quê
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở nơi nào đến chơi?
Bài Trở lại An Nhơn
Trở lại An Nhơn tuổi lớn rồi
Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai
Nền nhà nay dựng cơ quan mới
Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người?
(Chế Lan Viên)